4 thói quen tồi tệ làm hại răng mà các nha sĩ muốn bạn từ bỏ ngay bây giờ
Thứ Bảy,
08/10/2022
Chăm sóc răng miệng là vô cùng quan trọng. Đáng tiếc, trong cuộc sống, nhiều người vẫn vô tình lặp đi lặp lại những thói quen rất có hại cho răng.
"Cho dù bạn 80 tuổi hay 8 tuổi thì sức khỏe răng miệng của bạn đều rất quan trọng" - Roopali Kulkarni, một nha sĩ được đào tạo, trợ lý giám đốc chương trình y học răng miệng sau đại học tại Penn Dental Medicine, và người phát ngôn của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), đã chia sẻ như vậy trên trang Newsweek.
Nha sĩ Roopali Kulkarni nhấn mạnh: "Miệng là một cửa sổ sức khỏe của cơ thể bạn và nó có tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống cũng như gây ra các bệnh khác. Ngược lại, miệng cũng có thể bị tổn thương do các bệnh khác gây nên".
Bởi vậy, chăm sóc răng miệng là vô cùng quan trọng. Đáng tiếc, trong cuộc sống, nhiều người vẫn vô tình lặp đi lặp lại những thói quen rất có hại cho răng.
2 thói quen xấu có hại cho răng phổ biến nhất
Theo Kulkarni, trong số những thói quen vệ sinh răng miệng có thể có tác động tiêu cực thì phổ biến nhất là đánh răng quá mạnh hoặc sử dụng bàn chải đánh răng quá cứng.
Cả hai thói quen này có khả năng gây tổn thương cho cả răng và nướu, dẫn đến các vấn đề khác nhau, từ men răng bị mòn đến tụt nướu.
Những người đánh răng quá mạnh, hoặc sử dụng bàn chải quá cứng, cũng có thể bắt đầu nhận thấy rằng răng của họ trở nên nhạy cảm hơn vì các chân răng bị lộ ra ngoài mà trước đây đã được bao phủ bởi nướu.
Thay vì sử dụng bàn chải đánh răng cứng hoặc chải quá mạnh, hãy sử dụng bàn chải mềm thích hợp. Kulkarni đưa ra lời khuyên: "Đừng nghĩ đến việc chà xát, hãy nghĩ là mình đang massage răng".
Dùng tăm xỉa răng cũng rất có hại cho nướu
Tổ chức Sức khỏe Răng miệng (OHF) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vương quốc Anh - cho biết việc sử dụng tăm để loại bỏ các mẩu thức ăn giữa các răng có thể khá có hại cho miệng và nướu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Dentistry.co.uk, Giám đốc điều hành OHF, Tiến sĩ Nigel Carter cho biết: "Việc vớ lấy bất kì thứ gì thuận tiện để xỉa răng nghe có vẻ bình thường nhưng thực sự rất đáng lo ngại. Những vật dụng như thế có thể dễ dàng làm hỏng răng và gây hại cho nướu, cũng như tăng nguy cơ nhiễm trùng do cực kỳ mất vệ sinh. Nướu của chúng ta có thể rất nhạy cảm và một khi bị hư hỏng sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi. Vì vậy, nếu muốn loại bỏ các vụn thức ăn ở răng, hãy dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng".
Tự làm trắng răng tại nhà có thể làm hỏng men răng
Một số người sử dụng hỗn hợp nước chanh và bicarbonate nguyên chất của soda như một chất làm trắng răng tự chế mà không biết đây thực sự là một ý tưởng tồi tệ. Việc làm này có thể làm hỏng men răng - lớp ngoài cứng, sáng bóng, màu trắng của răng.
Men răng bị hư hỏng có nghĩa là răng của bạn trở nên nhạy cảm hơn nhiều và dễ bị sâu hơn.
Trong một bài viết cho Gentle Dentistry, tiến sĩ Stephanie Busch-Abbate cho biết: "Đó là một sự hiểu lầm nếu bạn cho rằng có thể tự làm trắng răng một cách an toàn bằng nước chanh và baking soda. Không giống như kem đánh răng, baking soda có tính mài mòn và sẽ làm mòn men răng của bạn theo thời gian. Tương tự như vậy, nước chanh có tính axit quá cao để có thể bám lại trên bề mặt răng của bạn".
Busch-Abbate cũng nói: Điều quan trọng là bạn cần phải hiểu rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc của răng, chẳng hạn như hút thuốc, ăn thực phẩm nhuộm màu và bỏ bê việc chăm sóc răng miệng. Khi nói đến làm trắng răng, hãy tới gặp nha sĩ để được tư vấn cụ thể.
Bao lâu bạn nên thay bàn chải đánh răng một lần?
Để duy trì vệ sinh răng miệng tốt, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo nên đánh răng 2 lần/ngày bằng kem đánh răng có flour.
Thay đổi bàn chải đánh răng của bạn thường xuyên cũng là điều bắt buộc.
Theo ADA, bạn nên thay thế bàn chải đánh răng của mình hoặc đầu bàn chải đánh răng nếu bạn dùng bàn chải điện, cứ sau 3-4 tháng, hoặc thường xuyên hơn nếu lông bàn chải bị mòn hoặc sờn. Bàn chải đánh răng càng mòn, nó sẽ càng kém hiệu quả trong việc làm sạch răng.
Source: Afamily